Từ lâu, không khí dịp cận Tết đã trở thành một tín hiệu quen thuộc nhắc nhở xuân đang về. Thật vậy, làm sao quên được cái cảm giác vui tươi mỗi lần sắm Tết Nguyên Đán, cái nôn nao của bữa cơm sum họp hay đơn giản chỉ là cái dư vị ngọt ngào của năm mới. Tất cả những hình ảnh nhỏ bé đó đã nhẹ nhàng đi vào lòng người Việt, mà chỉ cần nhắc thôi thì ai nấy cũng rạo rực khó tả.

 

Giờ đây, ngày Tết đã ít nhiều thay đổi so với trước kia. Tuy nhiên, chắc chắn không ai có thể phủ nhận những “mảnh ghép” không thể thiếu trong ngày Tết dưới đây:

1, Trên các chuyến tàu xe về nhà

Khi nhắc đến bến tàu, người ta sẽ nghĩ ngay đến sự chia ly. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho những ngày giáp Tết. Chẳng ở đâu nhiều dư vị tình yêu thương như những chuyến xe vừa lăn bánh, những chuyến tàu vừa rời sân ga. Đó là những người con xa nhà đang khấp khởi nhớ mong, những người cha tranh thủ được về ăn Tết sớm. Mùi vị đoàn viên bay bổng trong không khí và hòa theo niềm vui của hành khách trên các chuyến đi.

Nguồn ảnh: kenh14

2, Dọn dẹp nhà cửa

Trang hoàng nhà cửa là điều không thể thiếu trong những ngày cận Tết. Có nhiều gia đình sơn mới hay sửa chữa lại nhà, cửa. Các đồ dùng được lau chùi sạch sẽ như một cách để tạm biệt những điều không may mắn trong năm cũ và hi vọng một năm mới tốt đẹp hơn.

Mặc dù trong năm có nhiều ngày Lễ, nhưng Tết  được nghỉ “dài hơi” nhất trong năm. Đây là cơ hội để cả nhà cùng nhau chung tay dọn dẹp nhà cửa. Mọi người sẽ chia sẻ những chuyện vui buồn trong năm cũ, gắn kết tình yêu thương sau khoảng thời gian dài xa cách.

3, Quảng cáo ngày Tết

Theo thông lệ, cứ mỗi dịp cuối năm, trên phương tiện truyền thông lại ngập tràn quảng cáo Tết. Các quảng cáo Tết đều được xây dựng như câu chuyện ý nghĩa và có giá trị tinh thần. Không chỉ vậy, các quảng cáo đậm đà hương vị Tết Nguyên Đán với sắc đỏ của hoa đào, sắc vàng của hoa mai hay những lời chúc, bài hát vui tươi. Tất cả đều mang lại một không khí náo nức đến mọi nhà.

4, Khu chợ Tết Nguyên Đán

Ai đó đã nói rằng “Muốn thấy Tết nhộn nhịp thế nào, hãy đến khu chợ Tết”. Chợ Tết là một mảnh ghép không thể thiếu trong không khí những ngày cuối năm. Khác ngày thường, chợ dịp Tết đông vui và tấp nập hơn hẳn.

Chỗ này là ông bán bộ cúng Ông Công – Ông Táo, bên cạnh là bà bán gà đang thoăn thoắt chặt một cái má đùi căng tròn, núc thịt. Rồi chỗ kia là bà hàng xôi, vừa bày ra một mẻ xôi gấc đỏ au nóng hổi.

Và bằng một sự kết hợp không biết vô tình hay cố ý, tất cả khung cảnh này tạo một cảm xúc hân hoan cho bất kỳ ai đặt chân đến. Tết đậu trên những cành hoa, bay phấp phới trong không khí và quẩn quanh trái tim của mỗi người.

5, Hoa đào, hoa mai

Khi những cánh đào dần đỏ thắm, những cánh mai bắt đầu vàng ruộm cũng là lúc năm mới đã đến. Thật thiếu sót nếu trong gia đình không có cành đào, cành mai. Đây là hai loài hoa được coi là biểu tượng cho ngày Tết cổ truyền. Miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để trang trí trong nhà. Còn miền Nam lại hay dùng cành mai vàng hoặc cây mai để trưng bày trong những ngày Tết. Sắc đào đỏ thắm hay mai vàng như nắng đã gọi Tết về trên khắp mọi nơi.

6, Pháo hoa

Thời gian trở lại đây, tiếng pháo đã không còn xuất hiện nhiều như trước kia. Tuy nhiên chắc chắn tiếng pháo hoa dịp giao thừa là âm thanh đầy rạo rực mỗi khi Xuân về. Tiếng pháo nổ như một hồi trống báo hiệu năm mới đang trên đường đến trong không khí náo nức, tươi vui.

7, Những bài hát xuân

Tết Nguyên Đán dường như trở nên nhộn nhịp hơn bởi các bài hát mừng xuân. Các câu hát vang lên như nói hộ tiếng lòng của mỗi người. Những lời chúc được gửi gắm hoàn hảo trong các giai điệu khiến người ta dễ nhớ – dễ thuộc. Làm sao có thể thiếu cái âm thanh rạo rực vào những ngày giáp Tết, cái âm thanh mà mỗi khi nghe người ta lại nhớ đến giây phút giao thừa giữa năm cũ và năm mới, khi những ngày cuối năm khép lại và 365 ngày mới đang tới với những khởi đầu mới tràn đầy hi vọng.

8, Bánh chưng

Tết Nguyên Đán vẫn luôn chứa đựng chất riêng dù có trải qua bao nhiêu năm tháng. Cứ nhắc đến Tết, người ta lại nhớ ngay đến chiếc bánh chưng xanh vuông vắn. Phía trong là hạt nếp dẻo trắng ngần cùng nhân đỗ xanh, thịt mỡ béo ngậy. Cái vị Tết đến từ những ngày mọi người cùng nhau rửa lá, chẻ lạt, ngâm đỗ….Rồi lại khẽ len lỏi trong ánh lửa liu riu của nồi bánh chưng ngày cận Tết.

Dù cho phong tục ngày Tết Nguyên Đán phần nào biến đổi. Nhưng luôn tồn tại những thứ  mà chỉ nhắc đến thôi đã thấy Tết ngấp nghé ngoài cửa. Tết ở đây, len lỏi trên những ngóc ngách ngay dưới chân ta và sẽ mãi là một nét đẹp của văn hóa Việt.

Thùy Dương

——————————————————–
>> Bạn là sinh viên và đang cần một công việc làm thêm? Truy cập ngay Viecngay.vn
>> Like Fanpage Viecngay.vn để cập nhật nhanh nhất thông tin việc làm thêm
>> Chia sẻ ý kiến của bạn bằng cách comment phía dưới!

 

Bình luận