Trong ngày Tết không thể thiếu các phong tục tốt đẹp được truyền lại từ xa xưa. Mỗi phong tục lại hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc mà không phải ai cũng hiểu hết.

 

8 phong tục tốt đẹp ngày Tết cổ truyền

Trong tim mỗi người Việt, ngày Tết Nguyên Đán luôn là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm. Mọi người tạm gác lại công việc cũ và cùng những người thân chào đón năm mới đầy hứa hẹn. Trong ngày Tết không thể thiếu các phong tục tốt đẹp được truyền lại từ xa xưa. Mỗi phong tục lại hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc mà không phải ai cũng hiểu hết. Cùng Viecngay.vn tìm hiểu 8 truyền thống văn hóa tốt đẹp trong ngày Tết Nguyên Đán với bài viết dưới đây!

1, Chơi hoa tết

Mỗi dịp Tết đến – xuân về, nhà nào cũng nhất định phải có cây đào, cây mai, cây quất…cho có không khí Tết. Miền Bắc chào đón Tết với không khí se se lạnh, phù hợp với cành đào nhẹ nhàng, thanh nhã. Điều này xuất phát từ một quan niệm xa xưa, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa.

Miền Trung và miền Nam lại hay dùng cành mai vàng hoặc cây mai vàng hơn. Màu vàng rực rỡ mang ý nghĩa cho sự cao thượng, vinh hoa, phú quý. Cây quất cũng là loài cây được nhiều gia đình ưa chuộng vào ngày Tết. Cây quất với lộc xanh mơn mởn, quả chín vàng ươm, tròn trịa và sum suê tượng trưng cho sự thịnh vượng, viên mãn.

Ngoài hai loài hoa đặc trưng này thì nhà nào cũng có thêm những lọ hoa để thờ cúng và trang trí. Hoa thờ thường là hoa vạn thọ, cúc, hoa huệ. Hoa dùng để trang trí sẽ tươi tắn và rực rỡ hơn. Có thể kể đến như hoa hồng, hoa violet, hoa ly…

2, Tiễn ông Công ông Táo về trời

Tục lệ này xuất phát từ một truyền thuyết dân gian rằng mỗi gia đình đều có ông Công ông Táo – chịu trách nhiệm theo dõi theo dõi mọi việc xảy ra trong gia đình rồi trình báo cho Trời. Ông Công được xem là thần đất giữ nhà và biểu tượng của ông là cây nêu ngày Tết. Ngày nay, do nhiều người không có nhà đất nên phong tục này đã bị mai một ít nhiều. Còn ông Táo được dân gian gọi là “Thần Bếp”. Thần Bếp chuyên cai quản việc bếp núc, nấu nướng trong gia đình.

Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, nhà nào cũng thu dọn nhà cửa, bếp sạch sẽ rồi làm lễ cúng tiễn ông Táo lên trời. Mọi nhà nhờ ông báo cáo những điều tốt đẹp để một năm mới bình an và may mắn. Lễ ông Táo về trời bao giờ cũng có việc thả cá chép làm phương tiện cho ông. Việc tiễn đưa ông Táo về trời là một phong tục đẹp với ý nghĩa tâm linh.

Màu đỏ xuất hiện khắp nơi vào ngày Tết

3, Màu của Tết

Dễ dàng thấy rằng trong những ngày Tết, sắc đỏ ở khắp mọi nơi. Sắc đỏ trong những bộ trang phục, phong bao lì xì, câu đối đỏ, quyển lịch vạn niên… Đây là một truyền thống hàm chứa ý nghĩa nhất định. Theo quan niệm, màu đỏ  màu đỏ là màu phát tài và may mắn.… Trước đây khi pháo còn được phép, đường xá ngập tràn trong màu đỏ của xác pháo nổ rân không ngớt kể từ giao thừa đến rạng sáng tết, rồi nổ lẻ tẻ mãi cho đến khi nào hết “mồng một” mới thôi!

4, Lau dọn, sửa sang nhà cửa đón Tết

Việc dọn dẹp nhà cửa là một phần không thể thiếu với mỗi gia đình trong ngày Tết. Với ý nghĩa rằng sửa soạn để “tiễn năm cũ, đón năm mới”, công việc này như một “lễ tổng kết” tất cả mọi thứ của năm cũ. Ngoài ra, công việc dọn dẹp cũng là lúc xem lại xem còn nợ nần ai cái gì thì phải trả, không để nợ hai năm mà thành “nợ cả đời”.

5, Đón giao thừa

Giao thừa hay còn gọi là thời khắc giao giữa năm cũ và năm mới. Đây là lúc chứng kiến trời và đất gặp nhau. Theo đó, mỗi gia đình đều có một mâm cúng tổ tiên trên bàn thờ như một lời mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Tùy theo từng vùng miền, mâm cúng đó cũng có nhiều “biến tấu”. Miền Bắc có mâm quả gồm chuối (chuối tiêu), bưởi, bòng, cam quýt. Ở miền Nam thờ trái theo ngôn ngữ nên thường có ngũ quả gồm mãng cầu (cầu), dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài), sung (sung túc) hoặc dứa (thơm. Đó là cầu – vừa – đủ – xài – sung hoặc cầu – vừa – đủ – xài – thơm.

6, Tục xông đất đầu năm mới

Nguyên đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của năm. Lúc mọi thứ đều được bắt đầu, mới mẻ tinh khôi. Chính vì vậy mà sau thời điểm giao thừa lúc 12 giờ đêm cuối năm, người khách đầu tiên đến thăm gia chủ trong năm mới là người “xông đất”, là sứ giả do sự may mắn đưa đến. Theo quan niệm dân gian, người xông đất có ảnh hưởng quan trọng đến hậu vận của cả nhà trong năm mới.

Xông đất có thể là chọn người từ trước và người được chọn sẽ đến vào lúc sớm nhất trong năm. Người kỹ tính không đến thăm nhà khác vào ngày mồng một, nhất là người còn để tang người thân. Cũng có người chọn sự ngẫu nhiên trong việc xông nhà để chiêm nghiệm trong năm.

Chúc tết – một phong tục tốt đẹp của người Việt

7, Mừng tuổi đầu năm

Cứ mùng một là con cháu lại đến nhà chúc Tết, mừng tuổi người trên với mong muốn bậc cha mẹ luôn dồi dào sức khỏe, sống thọ cùng con cháu. Còn ông bà thì mừng tuổi bậc con cháu bằng các phong bao lì xì đỏ thắm. Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo. Bao lì xì thường có màu đỏ – một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội. Hơn nữa, phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc – người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc…

8, Xin chữ về thờ

Theo tục lệ người Việt Nam, cứ từ mùng 2 Tết trở đi, mọi người đã nô nức đi xin chữ cầu may cho một năm mới an lành hạnh phúc.  Những nét chữ uyển chuyển như rồng bay phượng múa, thể hiện khiếu thẩm mỹ của người xin chữ và khả năng viết chữ đẹp của người cho chữ.

Việc xin chữ đầu năm lâu nay đã có và ngày một thịnh hành mỗi độ Tết đến. Chữ được chọn để thờ thường là chữ Tâm, Phúc, Đức… Xin chữ là một nét đẹp văn hóa cần phát huy.

 

Tổng hợp: Thùy Dương

——————————————————–
>> Bạn là sinh viên và đang cần một công việc làm thêm? Truy cập ngay Viecngay.vn
>> Like Fanpage Viecngay.vn để cập nhật nhanh nhất thông tin việc làm thêm
>> Chia sẻ ý kiến của bạn bằng cách comment phía dưới!

Bình luận