“Đừng để đến ngày mai việc mà bạn có thể làm hôm nay”. Vì sẽ chẳng ai biết “ngày mai” đó là ngày nào. Và liệu khi đó, bạn có đủ thời gian, kiên nhẫn và chăm chỉ, để hoàn thành việc của ngày hôm trước hay không. Thời gian là vàng, đừng để nó trôi qua vô nghĩa chỉ vì lười. Chỉ cần kiên trì với 6 “thần dược” chữa bệnh lười dưới đây, Viecngay.vn tin chắc rằng, bạn sẽ chữa khỏi dứt điểm căn bệnh này.
1. Dùng 2 phút mỗi ngày để tạo thói quen
Kaizen là một phương pháp sống tối ưu dành riêng cho… người lười do người Nhật khởi xướng. Một trong những nguyên tắc trong phương pháp này là: làm một việc mà bạn rất lười – vào 1 khung giờ nhất định trong ngày, chỉ với 2 phút.
Bạn muốn hít đất, tập squad, hay plank vào buổi sáng, thì hãy làm nó 2 phút rồi dừng.
Tập thói quen đọc sách ư? Bạn chỉ cần dành 2 phút trước khi đi ngủ để đọc, dù đôi khi nó chỉ đủ để đọc 1 trang sách.
Đôi khi, bạn quá bận rộn để học tiếng Anh dù biết nó rất cần thiết? Hãy dành 2 phút mỗi ngày để học thêm 5 hay 10 từ mới.
Chỉ 2 phút đều đặn mỗi ngày sẽ giúp bạn hình thành thói quen mà không khiến bạn mệt mỏi. Sau đó, hãy tăng thời gian đó lên 2, 3, 5 phút hay vô tận, tùy theo khả năng của bạn.
2. Học 25 phút, nghỉ 5 phút
Phương pháp “Quả cà chua” Pomodoro là 1 phương pháp quản trị thời gian để nâng cao tối đa sự tập trung trong công việc. Nguyên tắc của phương pháp này là học/làm việc 25 phút – nghỉ 5 phút.
Khi còn là sinh viên, bạn có thể thức 4, 5 tiếng liên tục để ngồi xem phim, viết tài liệu. Một số người còn có “khả năng” thức trắng đêm hay làm việc liên tục 12 tiếng đồng hồ vào ban ngày… Tuy nhiên, càng lớn, khả năng tập trung của mỗi người sẽ càng kém hẳn đi, không thể tập trung trong một thời gian dài. Và Pomodoro chính là giải pháp để giải quyết vấn đề này và chữa bệnh lười hiệu quả.
Các bước để thực hiện Pomodoro
– Chọn công việc mình sẽ làm.
– Đặt thời gian, thông thường là 25 phút.
– Làm việc cho đến khi hết 25 phút
– Nghỉ giải lao 5 phút.
– Sau 4 lần nghỉ giải lao trên thì nghỉ dài hơn với 10 phút (hoặc 15 – 30 phút tùy công việc và sức của mỗi người).
3. Tự đặt hình phạt khi bị lười
Nộp tiền phạt, không chơi game 1 tuần, không đi chơi vào 1 cuối tuần, không uống trà sữa trong 2 tuần,… hay bất cứ hình phạt nào đem lại đủ “động lực” để bạn rèn luyện thói quen chữa bệnh lười mỗi ngày.
Điểm khó nhất ở đây, là bạn có đủ “mạnh mẽ” và kiên quyết để tự đặt ra hình phạt và phạt bản thân hay không mà thôi!
4. Chỉ dùng 5 giây để quyết định có làm hay không
Chúng ta thường mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ về việc có làm một điều gì đó hay không. Và kết quả là chúng ta chẳng làm gì. Vì lười nghĩ quá, lười luôn cả làm.
Vì thế, hãy chỉ dành đúng 5 giây để đưa ra quyết định của bạn và bắt tay vào làm nó thôi nhé!
5. Ngủ đủ và giữ sức khoẻ giúp “chữa bệnh lười” hiệu quả
Đôi khi bệnh lười kéo đến vì bạn đã quá mệt mỏi với công việc hằng ngày của mình. Thế nên, đừng quá nuông chiều cảm xúc của mình. Thay vì xem một bộ phim tình cảm xuyên đêm, hay chơi game quên giờ giấc vì lúc nào cũng tự nhủ “nốt lần này thôi”, hãy đi ngủ!
Hãy lắng nghe cơ thể bạn! Hãy để nó nghỉ ngơi và giữ gìn sức khỏe của chính mình. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bạn đối phó được với căn bệnh lười kinh niên.
6. Nghĩ về hậu quả nếu không làm
Nếu mình không làm việc này thì mình sẽ mất điều gì? Nếu bạn không học tiếng Anh, bạn sẽ không thể giao tiếp bằng tiếng Anh, không có bằng cấp chứng chỉ tiếng Anh “xin xò”. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn mất đi cơ hội việc làm tương lai tại các doanh nghiệp nước ngoài với thu nhập có thể lên đến nghìn đô.
Vậy thì, bạn có dám đánh đổi mức lương “nghìn đô” chỉ vì bệnh lười?
Tổng hợp: Phương Thu
——————————————————–
>> Bạn là sinh viên và đang cần một công việc làm thêm? Truy cập ngay Viecngay.vn
>> Like Fanpage Viecngay.vn để cập nhật nhanh nhất thông tin việc làm thêm
>> Chia sẻ ý kiến của bạn bằng cách comment phía dưới!
Bình luận