Định kiến nghề nghiệp: Nghề nghiệp nào cũng cao quý

5672

Bất kì một nghề nghiệp trong xã hội đều cao quý và đáng được tôn trọng. Miễn là bạn dùng năng lực, sức lao động của mình, làm ra tiền nuôi sống bản thân. Không vi phạm pháp luật, không hổ thẹn với bản thân thì không có gì đáng chê trách.

 

Trong một lần tôi về quê nghỉ tết và được cô hàng xóm hỏi. Bây giờ, cháu làm nghề nghiệp gì đấy? – Dạ cháu làm marketing – Là sao cháu? – Dạ là quảng bá giá trị sản phẩm đến nhiều người hơn ạ! – À bán hàng tiếp thị hả cháu. Dại thế sao lại làm “cái nghề đó” – Dạ “cái nghề đó” thì có gì sai ạ? – Bao năm bố mẹ nuôi ăn học tử tế, sao không kiếm nghề nào ổn định hơn – Tôi chỉ biết lặng im không nói một lời.

Thật ra, đây không phải lần đầu tôi gặp những chuyện như thế. Kể cả những đứa bạn cũ của tôi cũng bĩu môi, tặc lưỡi khi tôi nói về nghề đang làm. Tự thấy mình là một đứa khá cứng về tinh thần, tôi tin lựa chọn và cái mình đang theo đuổi. Nhưng trước những định kiến đó, có những giây phút tôi cũng đặt nghi vấn cho chính cái tôi yêu thích: Marketing thì có gì không tốt? Tại sao nhiều người lại đánh giá thấp nó? Nghề này cũng đáng được tôn trọng như bao ngành nghề khác mà?

KHI ĐỊNH KIẾN NGHỀ NGHIỆP ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ BẰNG “ỔN ĐỊNH”

Nếu suy xét cặn kẽ thì những định kiến đó một phần xuất phát từ việc không hiểu rõ tính chất nghề nghiệp. Mọi người nghĩ marketing là tiếp thị, là bán hàng, là chạy đôn chạy đáo phát tờ rơi…Thậm chí nặng nề hơn, là lừa đảo, là bất chấp mọi thứ để kiếm lợi nhuận. Làm cái nghề đó thì không cao quý. Lương thì ba cọc ba đồng. Làm bao giờ mới khá giả được. Phải làm nhà nước, vào biên chế cho “ổn định” thì mới sang, cao quý.

Thật sự, tôi không biết cái sự “ổn định” – cái thứ méo tròn, to cao, dày mỏng ra sao nhưng ai cũng khuyên tôi làm tất cả mọi thứ để có được nó. Nhiều đứa bạn của tôi, gia đình sẵn sàng “chi mạnh” một khoản tiền lên đến tiền tỷ để con em họ có “một chân” trong biên chế. Mà khoản đầu tư đó thì không biết rõ phải làm bao nhiêu năm trời mới trả được vốn chứ chưa nói đến lãi lời.

Theo tôi, cái thứ “ổn định” đó chính là trừu tượng hóa kỳ vọng của thế hệ trước  lên thế thế hệ sau. Họ nuôi lớn chúng ta và thương chúng ta hơn bất kì ai trên đời. Cuộc sống của họ có thể không hoàn hảo. Họ muốn những đứa con thân yêu phải đi trên con đường thẳng tắp nhất. Khi tất cả gia đình đều có quan điểm đó, nó như xây dựng lên một “chuẩn hóa” nghề nghiệp của xã hội.

NGHỀ NÀO CŨNG CAO QUÝ

Với tôi, Bất kì một nghề nghiệp nào đều cao quý và đáng được tôn trọng. Miễn là bạn dùng năng lực, sức lao động của mình, làm ra tiền nuôi sống bản thân, không vi phạm pháp luật, không hổ thẹn với bản thân thì không có gì đáng chê trách. Việc đáng xấu hổ nhất là không lao động, Không làm, không đi, ngồi một chỗ, “há miệng chờ sung” mới là điều thật sự xấu.

Nhiều người nghĩ rằng, nhân viên nhà nước là tốt. Nhưng bạn có còn nhớ những thủ tục hành là chính hay “văn hóa phong bì” khi bạn đi xin cấp phép một hoạt động nào đó. Trên báo đầy rẫy những cô giáo mầm non “không có tâm”, sẵn sàng dùng “biện pháp mạnh” để dạy bảo các con trẻ khi chúng không nghe lời.

Tôi thì biết có những bác nông dân ngày ngày nai lưng nơi đồng ruộng để kiếm từng đồng nuôi con học đại học. Những cô lao động thức khuya – dậy sớm, nhịn ăn chắt chiu nuôi 3 đứa con. Những anh công nhân, chấp nhận làm xa gia đình, chỉ vì một mong muốn kiếm tiền gửi về quê cho vợ con. Vậy, những việc này có thấp hèn không?

Nếu ai cũng muốn làm nghề họ tự nghĩ là cao quý thì việc còn lại sẽ phần cho ai. Ai cũng muốn có nhà cao cửa rộng thì việc xây là của ai. Nếu ai cũng mong có xe đẹp thì việc lắp ráp sẽ cho ai. Có thóc gạo ăn thì làm từ bàn tay của ai.

CHỈ LÀ CÁI TÊN

Một câu nói của R.L Stevenson thế này: “Suy cho cùng, mọi người đều sống nhờ bán một thứ gì đó”. Anh công nhân dùng sức lực làm món hàng để đổi lấy tiền. Giáo viên dùng kiến thức, kĩ năng sư phạm để kiếm tiền. Designer dùng óc sáng tạo để có tiền. Một marketer dùng sự hiểu biết, sự đồng cảm để tạo thu nhập.

Xét cho cùng, tất cả mọi nghề nghiệp tồn tại đều chung một tính chất. Vậy thật sự không công bằng khi coi trọng ngành này mà hạ thấp ngành kia.

Vậy, nếu bạn đến một tiệm sửa xe, bạn sẽ gọi người giúp bạn là gì? – Thợ sửa xe, anh sửa xe? Khi sử dụng những cái tên bình thường, mặc định đó là một công việc bình thường. Và nếu như nó đã bình thường, ta chẳng cần coi trọng nó. Thế nhưng, nếu như gọi người thợ trên bằng cái tên kỹ thuật viên sửa chữa. Công việc của người kia sẽ chuyên nghiệp và chuyên môn hóa hơn. Tạo cho người nghe cảm giác “đắt giá” hơn về nghề này. Đôi khi chỉ là một cách gọi – một cái tên thì ta cũng khiến ai đó được tôn trọng hơn.

Nói tóm lại, đây không phải là lúc bạn đánh giá người nọ – người kia hay nghề này – nghề khác. Bạn hãy xác định mình đam mê điều gì, có khả năng điều gì và theo đuổi nó với sự hết mình thì bạn đã hoàn toàn có thể tự hào về chính mình. Tôi cũng đang làm marketing với niềm tự hào đó!

Theo: Thùy Dương (Viecngay.vn)

——————————————————–
>> Bạn là sinh viên và đang cần một công việc làm thêm? Truy cập ngay Viecngay.vn
>> Like Fanpage Viecngay.vn để cập nhật nhanh nhất thông tin việc làm thêm
>> Chia sẻ ý kiến của bạn bằng cách comment phía dưới!

Bình luận