Bartender (pha chế rượu) là nghề đã khá quen thuộc trong những năm gần đây. Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, lĩnh vực F&B (Food and Beverage) cũng được chú trọng đẩy mạnh. Vì thế, ngày càng có nhiều cơ hội nghề nghiệp dành cho những bạn trẻ có đam mê theo đuổi nghề pha chế. Tuy nhiên mức thu nhập của nghề này cũng là một thắc mắc lớn dành cho những ai mới vào nghề và muốn làm nghề để sống. Mức lương của một bartender là bao nhiêu? Và làm cách nào để có thể sống “dư giả” với nghề bartender?
Thu nhập của bartender là bao nhiêu?
Bartender là nhân viên pha chế đồ uống có cồn, chủ yếu là các loại cocktail; sử dụng các loại rượu và nước hoa quả cũng như hoa quả để tạo ra đồ uống phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Điều này giúp phân biệt với barista – những người chuyên về pha chế cà phê.
Là người phụ trách pha chế nhưng bartender cũng chịu trách nhiệm kiểm kê hàng hóa, kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu, chuẩn bị dụng cụ và nguyên liệu pha chế cũng như chịu trách nhiệm vệ sinh khu vực quầy bar.
Mức thu nhập của một bartender phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: vị trí làm việc, trình độ, kinh nghiệm, và địa điểm làm việc.
Cụ thể, trình độ tay nghề càng cao mức lương sẽ cao. Vị trí trưởng quầy bar thu nhập cũng sẽ cao hơn nhân viên bình thường. Một nhân viên làm việc tại khu vực du lịch cách biệt như Phú Quốc, lương cũng sẽ cao hơn so với những đồng nghiệp trong đất liền. Những nhân viên làm việc cho quầy bar của khách sạn hạng sang dĩ nhiên lương cũng tốt hơn so với làm việc tại một khách sạn tầm trung ở cùng vị trí.
Thông thường, một bartender sẽ bắt đầu công việc ở vị trí phụ bar. Và mức lương của vị trí này dao động từ 3 tới 5 triệu đồng.
Mức lương dành cho nhân viên pha chế chính rơi vào khoảng 5 tới 8 triệu.
Bar trưởng, giám sát quầy bar, quản lý đồ uống hay quản lý bar mức thu nhập sẽ dao động từ 12 tới 20 triệu đồng.
Làm thế nào để có thể sống “dư giả” với nghề bartender?
Nâng cao tay nghề, hoàn thiện kỹ năng
Thu nhập của bartender phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và tay nghề. Khi tay nghề thuần thục, các bạn có thể được thăng tiến từ vị trí phụ bar lên làm chính.
Sau một thời gian, nếu có thái độ làm việc chuyên nghiệp cùng kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp hoàn thiện sẽ có thể được đảm nhiệm vị trí bar phó hoặc bar trưởng.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện kỹ năng và nâng cao tay nghề sẽ giúp người pha chế có những biểu hiện chuyên nghiệp trước khách hàng. Tiền tip từ khách cũng là một khoản thu không nhỏ nếu bạn làm việc tốt trước khách hàng.
++Có thể bạn quan tâm: Bartender là gì và điểm tạo nên sức hút kì lạ!
Làm việc tại các khách sạn, resort cao cấp
Yêu cầu dành cho bartender tại nhà hàng, khách sạn hay resort cao cấp là khá cao. Nhưng những yêu cầu này sẽ xứng đáng với mức lương và những chế độ đãi ngộ bạn nhận được. Ngoài lương cứng hàng tháng, các bartender có thể nhận thêm service charge và tiền tip của khách hàng nếu làm vừa lòng họ bằng chất lượng đồ uống và thái độ làm việc.
Do môi trường làm việc tại các khách sạn, resort cao cấp, nên lượt ghé thăm của các vị khách nước ngoài vô cùng lớn. Bạn nên chuẩn bị ngoại ngữ thật ổn để giao tiếp với khách nước người. Điều này không chỉ làm bạn chuyên nghiệp mà còn có thể nhận được tiền tip từ khách hàng.
Tự mở quầy bar riêng
Một khi bạn đã đủ kinh nghiệm, tay nghề, trang bị đủ kiến thức và tài chính, bạn có thể tính đến chuyện tự mở cho mình một quầy bar riêng để tự kinh doanh. Đây sẽ là cơ hội tốt để bartender thỏa sức sáng tạo để cho ra những công thức mới mà không bị gò bó quá nhiều về không gian và thời gian làm việc.
——————————————————–
>> Bạn đang tìm một công việc phổ thông, không cần kinh nghiệm? Truy cập ngay Viecngay.vn
>> Like Fanpage Viecngay.vn để cập nhật nhanh nhất thông tin việc làm thêm
>> Chia sẻ ý kiến của bạn bằng cách comment phía dưới!
Bình luận