“Bút sa gà chết” – câu nói này luôn đúng trong tất cả mọi hoàn cảnh. Trước khi viết hay ký kết hợp đồng bạn cần hết sức cẩn trọng. Những hậu quả không thể lường trước sẽ đến nếu bạn “chẳng may” không đọc và tìm hiểu kỹ. Vậy để tránh tình trạng này khi ký hợp đồng lao động cần chú ý những gì?
1. Tìm hiểu trước về công ty
Trước khi quyết định làm việc, bạn cần tìm hiểu kỹ về công ty. Không chỉ những thông tin cơ bản mà còn cả văn hóa công ty đó. Công ty đó thế nào? Có làm ăn lừa đảo hay không? Đối xử với nhân viên ra sao? Văn hóa công ty là gì? Bạn nên tìm hiểu câu trả lời trước khi đi đến ký kết hợp đồng.
Nếu muốn biết được thông tin, bạn có thể hỏi trực tiếp những người đã hoặc đang làm tại công ty đó. Một công ty dù trả mức lương cao nhưng chủ chỉ coi nhân viên như cỗ máy và bóc lột thì chắc chắn là không đáng làm rồi. Vì vậy, để tránh tình trạng bỏ dở giữa chừng vì không chịu được thì bạn cần tìm hiểu kỹ vấn đề này
2. Cần “biết mình biết ta”
Không ít trường hợp người lao động vì quá khó khăn khi tìm được việc là vội vàng ký kết ngay. Không tìm hiểu kỹ xem yêu cầu công việc thế nào. Năng lực của mình có thực sự phù hợp hay không. Hậu quả là sau khi làm được một thời gian sẽ cảm thấy đuối và bỏ việc. Mà bạn biết rồi đó, bỏ việc khi chưa hết hợp đồng có thể không được nhận lương hoặc thậm chí phải bồi thường. Vì vậy hãy chắc chắn mình làm được rồi hãy ký hợp đồng nhé!
++ 5 lời khuyên dành cho người trẻ nếu muốn thành công
++ Hãy cẩn thận những việc làm thêm cho sinh viên dưới đây
3. Lưu ý về địa điểm, thời gian và công việc
Một bản hợp đồng có thể dài đến 3-5 trang, thậm chí là chục trang. Rất nhiều người có thói quen chỉ đọc lướt hay tệ hơn là không đọc hợp đồng mà chỉ ký vào thôi. Tuy nhiên, nếu bạn có thói quen như vậy thì cần bỏ ngay. Có rất nhiều công ty đã lợi dụng điều đó để bóc lột nhân viên của mình.
Phần đầu bạn cần lưu ý đó chính là địa điểm và thời gian làm việc. Trong hợp đồng phải ghi rõ người lao động sẽ làm ở đâu, vào thời gian nào, có phải tăng ca hay không. Nhiều công ty chỉ ghi là “sẽ thỏa thuận và bố trí theo nhu cầu” mà không ghi rõ ràng. Khi đó, bạn cần phản hồi lại và yêu cầu ghi chi tiết cụ thể.
Rất nhiều trường hợp do không đọc kỹ nên khi tuyển dụng thì nói một nơi mà làm thực tế lại là một nơi khác. Hoặc nhiều khi bị bắt buộc làm thêm giờ mà không hề hay biết. Đến lúc đó thì bạn chỉ có thể trách mình không đọc kỹ hợp đồng mà thôi. Ngoài ra, đọc kỹ phần công việc cụ thể bạn sẽ làm để tránh làm bộ phận không liên quan với công việc tuyển dụng.
4. Quan tâm đến chế độ và quyền lợi
Ngoài các mục về địa điểm, thời gian, bạn cũng cần chú ý đến chế độ và quyền lợi. Cụ thể ở đây là mức lương, chế độ bảo hiểm hay quyền lợi khi tham gia công ty.. Những vấn đề như số ngày nghỉ, chế độ nghỉ khi bị bệnh hay điều kiện môi trường làm việc là điều bạn cần nắm rõ.
Nếu thấy băn khoăn về phần phúc lợi, bạn hãy mạnh dạn trao đổi. Có thể công ty sẽ không cho bạn biết hết những chế độ mà bạn có thể được hưởng đâu. Hãy yêu cầu bộ phận nhân sự cho xem và ghi hết vào trong bản hợp đồng. Đây là việc làm vô cùng cần thiết vì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến sau này khi bạn bắt đầu làm việc.
5. Chú ý đến các chương trình đạo tạo nâng cao
Nhiều doanh nghiệp vì muốn thu hút người lao động nên luôn đưa ra những lời hứa “ảo”. Những lời hứa sẽ đào tạo lại hay nâng cao trình độ thường xuyên được đưa ra. Tuy nhiên khi làm việc thì đâu có thấy được chương trình nào đâu. Những trường hợp hứa hẹn rất nhiều thường ít được thực hiện khi làm việc. Vì thế, khi đọc bản hợp đồng, nếu không thấy có các mục như được tham gia các chương trình đạo tào, nâng cao… thì nên hỏi lại ngay. Tuy nhiên, đừng quá mong chờ vào phần này. Những kiến thức và kinh nghiệm sẽ có được nhiều khi bạn làm việc thực tế.
6. Không bao giờ ký hợp đồng “bằng miệng”
Một lưu ý cho bạn là không nên ký hợp đồng “bằng miệng”. Thông thường sẽ có 3 loại hợp đồng: HĐ thời vụ, HĐ có thời hạn và không xác định thời hạn . Luật pháp cũng cho phép ký hợp đồng bằng miệng ( phải có nhân chứng) nhưng lời khuyên là không nên làm vậy. Bởi khi xảy ra tranh chấp, cái gì “giấy trắng, mực đen” bao giờ cũng rõ ràng hơn. Bạn không thể kiểm soát người làm chứng kia là một phe hay có bị NTD mua chuộc hay không mà. Đặc biệt khi tranh chấp mà không có cơ sở ràng buộc thì người chịu thiệt lớn nhất vẫn thuộc về người lao động.
7. Luôn giữ một bản hợp đồng lao động
Về nguyên tắc, sau khi ký, hợp đồng lao động sẽ được in thành 2 bản. Mỗi bên sẽ giữ một bản cùng phụ lục kèm theo. Nhiều doanh nghiệp cố tình “ỉm” luôn và không giao cho người lao động. Không chỉ vậy, rất nhiều người không biết mình sẽ được giữ nên cũng không đòi. Việc làm đó, vô hình chung đã khiến bản thân bị mất quyền lợi.
Hãy chắc chắn mình sẽ được giữ 1 bản hợp đồng lao động. Nếu khi tranh chấp xảy ra, bạn không có hợp đồng lao động để đối chất thì cũng không được. Dù không có chuyện xảy ra thì bạn cũng cần phải giữ thật cẩn thận. Đời mà, không ai biết trước điều gì. Cứ cẩn thận là trên hết.
Lưu ý: Sau khi ký hợp đồng một thời gian, bạn nên hỏi về bảo hiểm y tế của mình để xác nhận xem doanh nghiệp có đóng không. Ngoài ra, bạn cũng cần phải yêu cầu phòng nhân sự làm mã số thuế cá nhân. Nếu làm nửa năm mà không có tức là doanh nghiệp đó đang trốn thuế.
Trên đây là những điểm Viecngay nghĩ sẽ vô cùng cần thiết trước khi bạn quyết định đi đến việc ký kết hợp đồng. Hãy thật cẩn thận để đừng bị mắc bẫy của các công ty, doanh nghiệp nhé!
Quỳnh Hoa
Bình luận