Phỏng vấn có thể coi là phần quan trọng nhất trong quy trình tuyển dụng, quyết định xem liệu ứng viên có phù hợp với vị trí tuyển dụng hay không. Do đó, dù có thể bạn chưa biết trả lời phỏng vấn sao cho thật “hoàn hảo”, thì cũng hãy nhớ những điều “cấm kỵ” khi đi phỏng vấn này!
1. Không biết gì, hoặc biết… “lơ mơ” mình ứng tuyển
“Anh/chị đã biết gì về công ty của chúng tôi?” Đây là câu hỏi mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ đặt cho ứng viên trong vòng phỏng vấn. Luật lệ số 1 bạn cần phải nhớ: Nghiên cứu trước đi! Bạn chắc chắn sẽ không muốn bước vào một cuộc phỏng vấn với vốn hiểu biết bằng “zero” về vị trí hoặc công ty mình đang ứng tuyển đâu. Hãy thể hiện rằng bạn hứng thú với vị trí này đủ để dành thời gian tìm hiểu xem bản thân hiểu gì về công ty, mình có thể làm được những gì và có thể hòa nhập được không. Bạn nên bắt đầu bằng việc lên mạng hoặc tìm một nhân viên đã/đang làm ở công ty đó để tham khảo trước ngày phỏng vấn.
>> Xem thêm: 20 câu hỏi ứng tuyển nhân viên văn phòng hay gặp nhất!
2. “Ừm, công ty cũ của tôi ấy mà…”
Điều cấm kỵ thứ 2: Tuyệt đối không “nói xấu” về công ty cũ trong vòng phỏng vấn. Hãy luôn giữ sắc thái trung lập và cố gắng tỏ ra tích cực, tập trung vào những gì bạn đã học được từ mỗi trải nghiệm cũng như những mục tiêu của bạn trong tương lai. Đây là điều đặc biệt cần chú ý nếu bạn được hỏi về lí do từ bỏ công việc cũ của mình.
3. “Tôi không hợp với sếp của mình lắm.”
Tương tự như trên, bạn tuyệt đối không nên bình luận tiêu cực về bất cứ đồng nghiệp nào ở chỗ làm cũ. Cho dù sếp cũ của bạn có thể là kẻ xấu tính nhất thế giới thật, thì người phỏng vấn hiện tại cũng không biết điều đó. Và cách nói này sẽ khiến họ nghi ngờ rằng liệu bạn có phải là người khó hợp tác hay không.
4. “Thật lòng mà nói, tôi đang rất lo lắng đây.”
Đối với nhiều người, phỏng vấn có thể thực sự là khoảnh khắc lo lắng và hoảng loạn nhất trên đời. Tuy nhiên, chẳng công ty nào muốn tuyển một nhân viên thiếu tự tin cả. “Vậy nên trong trường hợp này, trung thực không phải là lựa chọn tốt nhất”, theo Amy Hoover, chủ tịch của TalentZoo, “Hãy cố gắng tỏ ra mình hoàn toàn bình tĩnh, và rồi bạn sẽ bình tĩnh lại thôi!”.
5. “Tôi có thể làm bất cứ việc gì!”
Nhà tuyển dụng sẽ muốn tìm kiếm những ứng viên có niềm đam mê mạnh mẽ với công việc và vai trò họ đảm nhiệm. Vậy nên khi bạn nói những câu kiểu như, “Dù anh/chị đang tuyển dụng vị trí nào cũng được – tôi sẽ nhận hết!”, thực ra bạn không hề “ăn điểm” đâu. Thay vào đó, bạn nên “nhắm” đến một vị trí nhất định và chuẩn bị sẵn sàng để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy vì sao công việc đó nên được dành cho bạn.
>> Có thể bạn quan tâm: 5 bước giúp bạn vượt qua “nỗi đau” bị nhà tuyển dụng từ chối
6. “Tôi biết mình không có nhiều kinh nghiệm cho lắm, nhưng…”
Đây là một lỗi cực kì dễ mắc phải, dù bạn có là sinh viên vừa ra trường hay đã đi làm được vài năm. Khi bạn xin lỗi vì những kinh nghiệm bạn không có thì về bản chất, bạn đang tự thừa nhận rằng mình không phải lựa chọn tốt nhất với nhà tuyển dụng. Đừng để điều đó xảy ra trong phòng phỏng vấn. Thay vì chú ý vào điểm yếu, bạn nên thể hiện sự tích cực, tập trung vào điểm mạnh và nhấn mạnh những kĩ năng bạn có thể giúp ích cho công việc, cũng như sự nhiệt huyết của bạn đối với vị trí đó.
7. “Tôi có viết điều đó trong CV, anh/chị có thể đọc lại xem.”
“Vấn đề là thế này: Tôi biết là thông tin đó có trong CV của bạn, nhưng nếu tôi đã hỏi bạn về một công việc hoặc hoạt động cụ thể, điều đó có nghĩa là tôi muốn bạn nói cho tôi nhiều hơn những gì bạn đã viết. Đây cũng là cách đánh giá kĩ năng giao tiếp của ứng viên. Bạn phát âm có rõ ràng không? Bạn là người có thể đi gặp mặt khách hàng, hay là người chỉ nên làm việc tại văn phòng thôi?”, Nando Rodriguez, Trưởng bộ phận Employment Branding tại Ogilvy & Mather, chia sẻ. “Nếu nhà tuyển dụng hỏi về một kĩ năng nào đó, đừng bảo họ đọc CV của bạn, mà thay vào đó hãy tận dụng khoảnh khắc này để tỏa sáng.” ++Tìm việc làm thêm theo nhu cầu ngay tại ĐÂY.
8. “Yes! Mình biết cách trả lời câu này rồi!”
Khi bạn đã chuẩn bị quá kĩ lưỡng (tới mức thuộc lòng cả buổi phỏng vấn) và chỉ chờ mong nhà tuyển dụng thốt ra những câu hỏi “tủ” của mình, bạn thường sẽ rất khó tham gia vào cuộc đối thoại cùng người đang phỏng vấn bạn. Hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng sẽ không thuê một người có vẻ thờ ơ tới mức không thể có nổi một cuộc trò chuyện tử tế. Tất nhiên là bạn nên chuẩn bị trước khi đi phỏng vấn, nhưng đừng cứng nhắc học thuộc lòng tất cả – cứ trò chuyện và trả lời một cách tự nhiên thôi.
9. “Sự cầu toàn là điểm yếu lớn nhất của tôi”.
Một số ứng viên nghĩ rằng câu nói này sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, nhưng không. Nhà tuyển dụng không hề bất ngờ mà còn có thể thấy khó chịu phần nào vì nó nghe như một câu trả lời “mẫu” đã được lặp lại quá nhiều lần. Cách trả lời này cũng không đem lại thêm chút thông tin nào cho nhà tuyển dụng về phong cách làm việc hay tính cách của bạn (đặc biệt là khi một nửa số ứng viên còn lại cũng trả lời tương tự). Lời khuyên cho bạn là hãy thử những câu trả lời trung thực và chân thành hơn.
Những điều “cấm kị” này có làm bạn giật mình không? Bạn đã từng lầm lỡ thốt ra câu nói nào trong buổi phỏng vấn xin việc của mình chưa? Hãy ghi nhớ thật kĩ những điều trên đây trước khi khám phá thêm những câu nói tối kị không ngờ khác trong các phần tiếp của loạt bài này nhé!
– Tổng hợp –
————————————————–
>> Bạn là sinh viên và đang cần một công việc làm thêm? Truy cập ngay Viecngay.vn
>> Like Fanpage Viecngay.vn để cập nhật nhanh nhất thông tin việc làm thêm
>> Chia sẻ ý kiến của bạn bằng cách comment phía dưới!
Bình luận