Ngày Tết là ngày khởi đầu cho một năm mới đầy hứa hẹn theo phong tục của người Việt. Đây cũng là khoảng thời gian cho những người con được trở về với chốn “chôn rau cắt rốn”. Cả gia đình cùng quây quần bên bữa cơm với các món ăn là một hình ảnh đầy ấm áp vào ngày Tết. Các món ăn trong Tết Việt không chỉ đa dạng về hình thức mà còn chú trọng hình thức. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu được các món ăn và ý nghĩa với Tết cổ truyền nhé!
1, Bánh chưng – bánh Tét
Bánh chưng và bánh tét là hai loại bánh điển hình ngày Tết Việt Nam. Về cơ bản, hai loại bánh này khá giống nhau, chỉ khác nhau về hình dáng. Bánh chưng phổ biến ở miền Bắc. Bánh tét được biết nhiều hơn ở miền Nam.
Theo truyền thuyết, bánh chưng có một ý nghĩa đặc biệt. “Gạo là thức ăn nuôi sống người, gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng cho Trời Đất. Lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.
Với ý nghĩa đó, nguyên liệu làm bánh cũng thấm đượm sự giản dị, tinh tế của tâm hồn Việt. Nguyên liệu chính để làm bánh là nếp, đậu xanh, thịt lợn. Cách chế biến, gói, luộc bánh thể hiện tinh thần hướng về gia đình. Cả nhà quây quần gói bánh, canh bánh trong không khí náo nứt của những ngày cận tết. Một khoảnh khắc thật khó quên!
2, Dưa hành
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” là câu nói được mọi người nhắc đến như một phần không thể thiếu của ngày Tết. Ngày Tết còn gì trọn vẹn nếu thiếu món dưa hành muối. Dưa hành có vị cay cay , hơi chua. Món này được dùng ăn kèm với bánh chưng làm tăng thêm hương vị của thức ăn.
Để có món dưa hành ngon, củ hành phải già, ngâm vào tro pha hàn the 2 ngày. Sau đó vớt ra bóc vỏ và cắt rễ rồi cho vào hộp muối với nước giấm nấu đường để nguội, khoảng vài ngày là ăn được. Dưa hành ăn kèm sẽ không bị ngấy khi ăn nhiều thức ăn có dầu mỡ và bạn sẽ thấy ngon miệng hơn.
3, Thịt đông
Thịt nấu đông là món ăn truyền thống của người miền Bắc. Món ăn thích hợp với không khí ngày Tết se se lạnh phía Bắc. Thịt đông, dễ nấu và dễ ăn, cũng là thịt nhưng không quá ngấy, chế biến món này đơn giản không cầu kỳ. Đơn giản là nấu thịt rồi để đông.
Thịt kho đông được chế biến từ thịt heo hoặc là thịt gà được ninh nhừ, sau đó để thịt ngoài trời cho đông lại hoặc để bảo quản trong tủ lạnh thịt sẽ đông nhanh hơn. Khi thịt đông lại trên bề mặt sẽ có một lớp mỡ màu trắng mịn như tuyết. Thịt nấu đông ăn kèm với dưa hành muối sẽ thật là ngon tuyệt.
4, Gà luộc
Ngày Tết trên bàn thờ mỗi gia đình không thể thiếu chú gà trống luộc thắp hương các cụ. Từ bao đời, gà luộc luôn là một món ăn đặc trưng vào dịp đầu năm. Người ta tin rằng món ăn này dâng lên đất trời ngày đầu xuân sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy.
Gà được lựa chọn những con tươi ngon, làm sạch rồi luộc cùng với 1 số gia vị. Gà luộc chín tới có màu vàng, không bị rách da. Khi ăn những miếng thịt gà có màu vàng tươi, rắc thêm lá chanh thái nhỏ chấm với muối tiêu chanh ớt tạo nên một hương vị đặc trưng.
5, Giò lụa – giò xào – giò bò
Thật thiếu xót nếu không kể đến các loại giò chả. Có ba loại giò đặc trưng và phổ biến là giò lụa, giò bò và giò xào. Mỗi loại giò đều có một hương vị riêng nhưng điều quan trọng để món giò thực sự hấp dẫn là mùi thơm của lá chuối và vị nước mắm ngon quyện trong miếng giò.
Giò được làm từ thịt giã thật nhuyễn với nước mắm ngon. Sau đó được gói thành hình ống bằng lá chuối xanh sau đó cho vào nồi luộc hoặc hấp. Giò bò có cách chế biến cũng như giò lụa nhưng nguyên liệu là thịt bò. Cây giò bò ngon khi xắt ra có màu hơi hồng của thịt bò, thêm mỡ trắng. Giò xào món ăn được làm từ các bộ phận của thủ lợn, cùng mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu xào chín. Tất cả được gói trong lá chuối và ép trong khuôn. Giò xào ăn giòn và thơm ngon của các gia vị gói kèm.
6, Các loại nem
Nem rán một món ăn không chỉ quen thuộc trong bữa cơm gia đình hàng ngày. Nó còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết truyền thống miền bắc. Những miếng nem được chiên vàng với lớp vỏ ngoài giòn rụm. Nhân bên trong nem là thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa các vị mặn, ngọt, chua, cay quyện vào nhau cho đậm đà tròn vị.
7, Canh măng khô
Măng khô ninh cùng xương heo, hoặc gà ngày tết vào mùa lạnh rất ngon. Càng ninh càng ngon và mùa lạnh để được lâu. Bạn có thể ăn nhiều bữa mà ko lo bị ngán hay bị hỏng. Măng khô ngâm kĩ, còn xào với miến rong, nấm, thịt gà hoặc ngan xé ăn rất ngon.
8, Mứt ngày Tết
Mỗi dịp Tết về bên cạnh đào mai nở thắm, nhâm nhi bên tách trà thơm ngát không thể thiếu khay mứt với đầy đủ màu sắc như mứt bí thanh mát, vị cay cay của mứt gừng, mứt dừa dẻo ngọt, mứt khoai…. Những sản phẩm này bạn có thể tự tay mình làm để mời mọi người cùng thưởng thức trong những ngày tết hoặc làm quà để biếu.
Thùy Dương
——————————————————–
>> Bạn là sinh viên và đang cần một công việc làm thêm? Truy cập ngay Viecngay.vn
>> Like Fanpage Viecngay.vn để cập nhật nhanh nhất thông tin việc làm thêm
>> Chia sẻ ý kiến của bạn bằng cách comment phía dưới!
Bình luận