Mỗi chiếc nồi thì có một chiếc vung tương xứng. Nó cũng giống như việc mỗi người sinh ra đều có những đam mê nhất định. Vung có đẹp hay cầu kỳ lung linh đến mấy, mà không vừa vặn với nồi thì cũng chỉ là đồ vứt đi. Nếu cứ cố ép, món ăn cuối cùng cũng không khiến thực khách hài lòng.
Hôm nay, tôi tình cờ nghe được câu chuyện về một người anh mà tôi quen. Anh ấy đã từ bỏ công việc tốt ở công ty hiện tại để đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ. Hành trang duy nhất là tình yêu ẩm thực cháy bỏng. Tôi biết anh đam mê ẩm thực từ lâu lắm. Một số bạn bè của anh tỏ ra nuối tiếc cho công việc. Số khác nghĩ anh dại dột thiếu suy nghĩ. Những người còn lại thì chứng tỏ khả năng tiên tri của họ bằng một loạt những dự đoán về số phận của anh ở nơi đất khách quê người.
Về phần mình, tôi không nghĩ nhiều về quyết định của anh. Cũng không tự hỏi mấy câu đại loại như: Làm sao anh ấy đủ can đảm làm thế? Anh ấy có chắc là mình sẽ thành công? Tại sao anh lại quyết định theo đuổi đam mê khi ở một lứa tuổi mà người ta cho là cần sự ổn định?….
9X – Độ tuổi giàu năng lượng và tài sản duy nhất là thời gian
Từ câu chuyện của anh, tôi nghĩ về bản thân mình. Tôi nghĩ về đam mê của tôi, về điều tôi thực sự thích, điều tôi đang làm và liệu mai sau tôi sẽ hối hận bởi quyết định của chính mình.
Có lẽ không chỉ riêng tôi mà bất cứ những ai ở tầm tuổi này đều mông lung về con đường tương lai. Không phải chúng tôi không có những dự định hay mong muốn của mình. Mà chúng tôi không thực sự chắc chắn về chúng. Tôi nhận ra một sự thật khá phũ: Phần đông các bạn thế hệ 9x đang mong đợi vào một điều gì đó ổn định, an toàn, ít thăng trầm, ít khó khăn trong khi chúng ta lại đang sống ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời – độ tuổi giàu năng lượng và tài sản duy nhất là thời gian.
Đam mê chỉ là thứ “viển vông” ?!
Từ nhỏ, chúng ta đã được ba mẹ dạy rằng phải cố gắng học giỏi vì chỉ khi học thật giỏi mới có một tương lai sán lạn, mới có cuộc sống sung túc. Với niềm tin hết mực vào gia đình lúc bấy giờ, mục đích phấn đấu duy nhất của chúng ta trong suốt 12 năm đến trường là phải được giấy khen, phần thưởng để thi đỗ vào trường đại học mà bố mẹ nghĩ là tốt. Nhưng cũng vì cứ mãi đi theo một con đường thẳng tắp như thế nên người trẻ chúng ta dần hình thành lối suy nghĩ đa nghi trước mọi chuyện và luôn “tiết kiệm” lòng tin vào chính bản thân mình.
Có lẽ, con đường mà cơ số mọi người đi đều được xã hội và gia đình định sẵn như một quy chuẩn chung, con đường mà anh chị đã đi qua và bạn bè đồng trang lứa đang hướng đến. Và những thứ đi chệch khỏi điều này như đam mê thì bị coi là viển vông và người theo đuổi nó sẽ là những kẻ lông bông, không tương lai.
Đam mê bị gắn mắc viển vông bởi vì mọi người chỉ để đam mê dừng lại ở lời nói. Trong khi, bất cứ ước mơ nào dù thực tế hay bay bổng thì đều cần một kết quả chứng minh. Có đứa em họ hỏi ý kiến tôi việc nó muốn chuyển sang học Sân Khấu Điện Ảnh. Còn nó thì đang là sinh viên năm 2 ngành sư phạm. Tôi chỉ nói thế này:
Ngày xưa, tôi không bao giờ mơ đến một ngày tôi sẽ làm công việc liên quan đến viết lách. Tôi luôn nghĩ rằng tôi là đứa dốt văn và có cho tiền tôi cũng không ngồi cả tiếng để viết một bài tản mạn như tôi đang làm đây. Nhưng rồi tôi viết blog, viết truyện, viết bài cho các báo và kiếm những đồng thu nhập từ việc “gõ gõ cạch cạch” này. Lâu dần, gia đình cũng mặc nhiên ủng hộ và cổ vũ tôi trên con đường tôi chọn.
Nói đến chuyện đam mê, tôi liên tưởng đến một câu tục ngữ của ông bà ta: Nồi nào úp vung đấy. Mỗi chiếc nồi có một chiếc vung tương xứng. Cũng giống việc mỗi người sinh ra đều có những đam mê nhất định. Vung có đẹp hay cầu kỳ lung linh đến mấy, cũng chỉ để ngắm. Nếu không vừa vặn với nồi thì cũng là đồ vứt đi. Nếu cứ cố ép, hương vị khi nấu cũng chẳng ngon để khiến thực khách hài lòng nữa.
Liệu có phải “Theo đuổi đam mê thì thành công sẽ đến” ?!
Tôi không nghĩ rằng cứ theo đuổi đam mê là thành công sẽ mỉm cười với mình. Tôi cũng không nghĩ thành công sẽ đến từ đam mê. Mỗi người có hệ niềm tin của riêng mình. Quy chuẩn về thành công trong cuộc đời mỗi người chính do bản thân mình tự đặt ra. Đam mê không phải là một thứ dễ dàng tìm kiếm. Lại càng không phải thứ để mình mê đắm vào nó mà sống. Đừng chỉ mơ về nó, hãy bước những bước đi đầu tiên.
Quay lại chuyện tôi theo nghề viết. Trước đó tôi không nghĩ rằng mình sẽ thích cái nghiệp này. Chỉ đến khi tôi cầm cây bút lên và chia sẻ những suy nghĩ của riêng mình. Lúc ấy tôi mới biết tôi và “nó” sinh ra để dành cho nhau. Đam mê chỉ xuất hiện nếu bạn chủ động đi tìm. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Tôi thấy việc xây dựng đam mê cũng giống như việc xây dựng một tòa tháp cao. Những bước đầu tiên chắc chắn sẽ đầy khó khăn. Nhưng khi móng đã vững, dù tháp cao đến đâu cũng không ngại gió
Tóm lại,
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai vấn đề.
- Chúng ta đang còn trẻ, nên không có gì là quá muộn để bắt đầu một điều gì đó mới.
- Trời không phụ người có lòng. Bạn cứ hết mình đi, không sớm thì muộn cũng đạt được thành quả như ý.
Tìm cho mình cái nắp nồi vừa vặn, bạn sẽ gặt hái được kết quả mà bạn mong muốn!
Bình luận